Mái nhà của những người không… “đầu hàng” số phận
“Tôi là người khuyết tật, nên thấu hiểu được nhiều sự thiệt thòi của những người không may bị khuyết tật. Đi xin việc không ai nhận, bị người thân và xã hội không tôn trọng, thậm chí họ thể hiện ánh mắt thương hại. Cánh cửa bước ra cuộc đời như đóng trước mắt người khuyết tật, khiến họ mặc cảm với số phận, không ít người rơi vào trạng thái sống khép kín, tiêu cực. Chứng kiến nỗi khổ ấy của mình và mọi người, tôi nảy ra ý tưởng thành lập một tổ chức để người khuyết tật có công ăn việc làm, hòa nhập với xã hội và đặc biệt là tạo dựng cuộc sống trên đôi chân, đôi tay khuyết thiếu của họ…”, chị Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc (xã Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội), mở đầu câu chuyện với chúng tôi giữa cánh đồng chang chang nắng của một ngày hè tháng 6/2022, trong chuyến Tạp chí Kinh tế và Dự báo về thăm, chia sẻ khó khăn, cũng như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những con người có ý chí không dễ gì khuất phục ở Hợp tác xã Tâm Ngọc.
Cùng tham gia Đoàn công tác thăm Hợp tác xã Tâm Ngọc có Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Tường Thu; TS. Phạm Phú Long, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển cây dược liệu thuộc Học viên Nông nghiệp Việt Nam; ông Hà Minh Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Hà Minh và đại diện Công ty Chứng khoán Bảo Việt.
Chị Thuần tâm sự: “Từng trải qua cuộc sống với mức chi tiêu 600.000 đồng/tháng, tôi biết số tiền thu nhập của các hội viên tuy còn khiêm tốn, nhưng điều quan trọng không đơn thuần là số tiền họ kiếm được, mà quan trọng hơn là họ khẳng định với gia đình và xã hội về khả năng lao động, hoà nhập với cuộc sống, tự họ lo cho cuộc sống của bản thân để có được tiếng nói độc lập, chủ động trong gia đình, người thân, từ đó thay đổi cái nhìn vẫn còn ít nhiều định kiến trong gia đình và xã hội về người khuyết tật…” |
Chị Thuần chia sẻ, Hợp tác xã Tâm Ngọc thành lập năm 2019 với 7 hội viên sáng lập và đến nay đã có 40 hội viên, toàn bộ là người khuyết tật, với đa phần là người ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), có một số hội viên ở các tỉnh. Ngoài làm các công việc liên quan đến chăn nuôi, các hội viên đang trực tiếp trồng trọt cây dược liệu, cây ăn quả trên diện tích hơn 20 hecta. Quy trình chăn nuôi, canh tác của Hợp tác xã tiến hành theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường và mang lại sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Chị Thuần cho biết, đến nay, ngoài các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã được tiêu thụ ở các chuỗi cửa hàng nông sản sạch, các sản phẩm trà thảo dược như: Cà Gai Leo Trà, Như Hoa Trà, Liên Hoa Trà là bộ sản phẩm nổi bật của Hợp tác xã. Các sản phẩm này được sản xuất từ các loại dược thảo tự nhiên theo phương thức Đông y, mang lại sức khoẻ cho người sử dụng…
Cũng theo chia sẻ của vị nữ thủ lĩnh của Hợp tác xã Tâm Ngọc Trần Thị Thuần, để làm ra được các sản phẩm này, thời gian ban đầu người HTX phải mất rất nhiều thời gian và chi phí, bởi do hiểu biết hạn chế, nên quá trình kiểm tra sản phẩm trước khi đưa ra thị trường phải kéo dài và tốn kém chi phí.
Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng bù lại, niềm vui đã đến với các thành viên Hợp tác xã Tâm Ngọc, đó là năm 2020, 3 sản phẩm Cà gai leo trà, Liên Hoa Trà, Như Hoa trà của Hợp tác xã được UBND TP. Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là bước tiến để các sản phẩm này được rộng rãi phân phối đến tay người tiêu dùng và đã nhận được những phản hồi tích cực. Điều này tiếp thêm động lực để những con người khuyết tật ở Hợp tác xã Tâm Ngọc tiếp tục vượt lên khó khăn, thử thách, quyết tâm lao động để mang đến cho xã hội những sản phẩm hữu ích, an lành.
Chị Thuần cũng chia sẻ, 40 thành viên của Hợp tác xã có hoàn cảnh và khuyết tật khác nhau, người thì khuyết chân, người thiếu tay, người khiếm thính…, nhưng tất cả đều được sắp xếp công việc phù hợp với khả năng và sức khoẻ, để ai cũng thấy mình còn có ích cho gia đình và xã hội. Nhờ sự nỗ lực của bản thân mỗi hội viên, cũng như sự quan tâm, chia sẻ của các cá nhân, tổ chức, mà hiện thu nhập của mỗi hội viên trung bình từ 1,5 triệu đồng – 8 triệu đồng/người/tháng tuỳ theo khả năng làm việc.
“Là nhân viên bán bảo hiểm cho một công ty, nhưng sau tai nạn giao thông tôi bị mất 1 chân và 1 quả thận. Khi đó những khó khăn về kinh tế, hạnh phúc gia đình… ập đến, khiến cuộc sống của tôi đối mặt với nhiều thách thức. May thay, năm 2020, tôi tham gia Hợp tác xã Tâm Ngọc, tôi được cùng những con người khuyết tật ở đây lao động, gắn kết khát vọng sống và tiếp tục tạo nên giá trị mỗi ngày, từ đó cuộc sống của tôi dần cân bằng trở lại…”, chị Nguyễn Thị Hiền, một thành viên của Hợp tác xã Tâm Ngọc chia sẻ.
Chị Hiền tâm sự, ở Tâm Ngọc, các thành viên Hợp tác xã luôn sống đoàn kết, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Đặc biệt, khi Hợp tác xã Tâm Ngọc trở thành 1 trong 8 nhóm yếu thế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, từng thành viên Hợp tác xã như được tiếp thêm tự tin, thêm sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. “Chúng tôi thực sự hạnh phúc và vinh dự khi được nhận sự bảo trợ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, chị Hiền cười tươi tắn, chia sẻ.
Trở lại câu chuyện với vị thủ lĩnh của Hợp tác xã Tâm Ngọc, chị Thuần cho biết, tuy gặt hái những thành công bước đầu, nhưng do hạn chế, khó khăn về nhiều mặt, như: kỹ thuật canh tác, chế biến và phân phối sản phẩm, nguồn vốn…, nên Hợp tác xã rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân nhằm giúp đơn vị tiếp tục sản xuất thêm các sản phẩm mới, để đơn vị ngày càng phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người khuyết tật.
Tin vui nhất mà chị Thuần chia sẻ với Đoàn công tác đó là, Hợp tác xã mới nhận được một đơn đặt mua sản phẩm trà túi lọc từ nước Pháp. Tuy nhiên, ngoài việc phát triển vùng nguyên liệu sạch, an toàn, thì để sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, Tâm Ngọc cần trang bị được dây chuyền đóng gói sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đơn hàng từ Pháp mở ra cơ hội mới cho Tâm Ngọc, nhưng để có một dây chuyền đóng gói sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn đang là khát khao của những người khuyết tật nơi này…
“Tiếp lửa” cho Tâm Ngọc
Theo sự phân công của Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tạp chí Kinh tế và Dự báo là một trong những đơn vị bảo trợ cho Hợp tác xã Tâm Ngọc. Sáng nay (ngày 28/6), đoàn Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã trực tiếp đến thăm các mô hình canh tác, sản xuất của Hợp tác xã, để chia sẻ những khó khăn, thách thức mà đơn vị đang phải đối mặt, đồng thời chung tay tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ Hợp tác xã vượt qua khó khăn, nhằm tiếp tục phát triển, qua đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người khuyết tật, mang lại những giá trị hữu ích cho đời.
Phát biểu trong chuyến thăm Hợp tác xã Tâm Ngọc, bà Nguyễn Lệ Thuỷ, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, sau quá trình trao đổi giữa các bên, Tạp chí được biết, Hợp tác xã có mong muốn được đào tạo về kỹ thuật canh tác, tư vấn giống cây trồng, nên Tạp chí đã kết nối và mời TS. Phạm Phú Long, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển cây dược liệu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng tham gia Đoàn, để trực tiếp lắng nghe tâm tư của Hợp tác xã, từ đó có hướng hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho đơn vị.
“Qua thực tế chứng kiến cuộc sống, môi trường làm việc của các thành viên Hợp tác xã Tâm Ngọc, chúng tôi khâm phục ý chí của những con người nơi đây, vì những nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng môi trường làm việc gắn kết, với khát vọng làm những việc có ý nghĩa, không chỉ có bản thân, mà cả cho cộng đồng, xã hội. Cái tên Hợp tác xã Tâm Ngọc đã nói lên ý nghĩa của một tổ chức quy tụ những con người có tâm sáng như ngọc, cùng nhau đoàn kết, mang lại cơ hội phát triển cho những người khuyết tật.”, bà Nguyễn Lệ Thuỷ chia sẻ.
Phát biểu với các thành viên Hợp tác xã Tâm Ngọc, Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Tường Thu cho biết, đây là lần đầu tiên Công đoàn Bộ trực tiếp tham gia cùng đơn vị bảo trợ là Tạp chí Kinh tế và Dự báo đến thăm, khảo sát mô hình hoạt động của Hợp tác xã Tâm Ngọc. Hoạt động này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Thông qua hoạt động của Tạp chí Kinh tế và Dự báo hôm nay, sẽ mở ra các kết nối hỗ trợ cho Hợp tác xã Tâm Ngọc về đào tạo, đúng mong muốn của Hợp tác xã, để đơn vị ngày càng có thêm sản phẩm mới, tạo nhiều việc làm cho người khuyết tật như mong muốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Liên quan đến mong muốn của Hợp tác xã Tâm Ngọc về hỗ trợ đầu tư máy đóng gói sản phẩm trà, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, bà Lê Thị Tường Thu cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi nắm bắt rõ nguyện vọng của Hợp tác xã sẽ có phương án hỗ trợ phù hợp và hiệu quả.
Theo TS. Phạm Phú Long, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển cây dược liệu, để phát triển ngày càng hiệu quả và bền vững hơn, trong ngắn hạn, Hợp tác xã Tâm Ngọc cần tập trung phát triển cây giống, để cung cấp cho thị trường, từ đó tạo nguồn thu nhập để phát triển cây dược liệu về dài hạn. Với cây dược liệu, Hợp tác xã nên tập trung vào trồng và chế biến một số loại cây để cung cấp cho thị trường 1-2 sản phẩm chủ lực, không nên dàn trải. Hợp tác xã cần tái cơ cấu lại quy trình canh tác, thu hái, chế biến sản phẩm theo một quy trình được cơ quan chức năng công nhận, để nâng cao giá trị cho sản phẩm. TS. Phạm Phú Long cũng khẳng định, Viện sẵn sàng hỗ trợ và đi đường dài với HTX Tâm Ngọc.
Hợp tác xã Tâm Ngọc là một trong 8 nhóm người khuyết tật và yếu thế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ trong nhiều năm qua.
Phát biểu tại Chương trình Yêu thương Việt Nam năm 2022 mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ý thức rõ ràng rằng, người dân phải là trọng tâm của quá trình phát triển. Mọi chính sách của Nhà nước, Chính phủ phải hướng tới hạnh phúc của người dân, tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung, được tham gia, đóng góp, hưởng lợi và quan trọng nhất là không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chương trình yêu thương Việt Nam được tổ chức với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng người yếu thế, để cùng nhau lan tỏa tinh thần nhân ái và yêu thương thông qua những hành động nhân văn, tử tế và có trách nhiệm với cộng đồng.
Nguồn: https://kinhtevadubao.vn/