Cây dược liệu là ngành hàng vô cùng giàu tiềm năng của nước ta, có thể trở thành ngành hàng tỷ . Tuy nhiên, nó đang được khoác chiêcs áo quá chật so với triển vọng.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hiện nay Việt Nam có khoảng 5.117 loài và dưới loài thực vật được sử dụng làm thuốc, thuộc 1.823 chi, 360 họ của ngành thực vật bậc cao có mạch, cùng với một số taxon thuộc nhóm rêu, tảo và nấm lớn.
Với 54 dân tộc anh em, trong đó 15 dân tộc có lưu giữ loài dược liệu làm thuốc chữa bệnh. Đến nay đã thu thập và sưu tầm được 1.296 bài thuốc dân gian chữa bệnh của cộng đồng các dân tộc, được nghiên cứu sàng lọc, từng bước tạo sản phẩm có thương hiệu và góp phần phát triển kinh tế – xã hội nhiều vùng trong cả nước.
Diện tích nguồn dược liệu khai thác tự nhiên hiện chưa có đánh giá cụ thể, do các loài dược liệu mọc tự nhiên chủ yếu trên đất lâm nghiệp và được khai thác phục vụ yêu cầu của thị trường.
Nhu cầu sử dụng các loài dược liệu làm thuốc ngày càng tăng, việc khai thác ngoài tự nhiên thời gian dài, đang làm suy giảm nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam nhất là các loài quý hiếm như sâm vũ diệp, tam thất hoang, hoàng liên gai tại Lào Cai.
Một số loài như giảo cổ lam, đẳng sâm, hà thủ ô, sa nhân tím, ấu tàu và nhóm cây thuốc tắm của người Dao, số lượng có chiều hướng hạn chế nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Hiện nay một số tỉnh đã chú ý công tác bảo tồn và khai khác dược liệu tự nhiên như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Nam, Kon Tum, Lâm Đồng.
Trong các vùng phát triển, Trung du miền núi phía Bắc đạt 50,8 nghìn ha (chiếm 65,6%) diện tích dược liệu cả nước, riêng cây dược liệu lâu năm 43,8 nghìn ha chiếm 91,6% tổng diện tích cây dược liệu lâu năm cả nước.
Đối với cây dược liệu lâu năm, diện tích cây hồi lớn nhất đạt 36,6 nghìn ha, chiếm 47,2 % diện tích dược liệu cả nước, phân bố chủ yếu tại Lạng Sơn khoảng 30,6 nghìn ha và một số tỉnh ở Trung du miền núi phía Bắc.
Hiện có 50/92 loài dược liệu được trồng với qui mô trên 10 ha. Một số loài đã và đang có vùng trồng lớn, như: hồi, quế, hòe, actiso, thanh hao hoa vàng, đinh lăng, kim tiền thảo, diệp hạ châu, trinh nữ hoàng cung, gấc, nghệ.
Sâm Ngọc linh (sâm Việt Nam) là loài sâm đặc hữu và có giá trị kinh tế cao, hiện đang được đầu tư nghiên cứu và phát triển trồng tại hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum hàng trăm ha, riêng Quảng Nam có 136,3 ha.
Năng suất một số cây dược liệu những năm qua đã được cải thiện, như tại Lào Cai, năng suất cây đương quy năm 2017 đạt 15 tạ/ ha, đến năm 2020 đạt 20 tạ/ ha; cây xuyên khung năm 2017 đạt 10 tạ/ ha, đến năm 2020 đạt 22 tạ/ ha; cây tam thất năm 2017 đạt 12 tạ/ ha, đến năm 2020 đạt 30 tạ/ ha… do người sản xuất từng bước áp dụng giống và quy trình canh tác phù hợp hơn.
Một số tỉnh đã đẩy mạnh phát triển cây dược liệu thành ngành sản xuất hành hóa, có hiệu quả, như tỉnh Lào Cai: năm 2017 sản lượng đạt 3,1 tấn với 5 loại cây dược liệu chủ lực, giá trị 25,9 tỷ đồng; đến năm 2020 sản lượng đạt 15,3 tấn, với 15 loại cây dược liệu chủ lực, giá trị đạt 226,9 tỷ đồng tăng 776,1 % so năm 2017.
Với sự tăng trưởng kinh tế, thu nhập và đời sống người dân được cải thiện, xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, nhất là các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc thiên nhiên đang là xu hướng ở thế giới và Việt Nam.
Theo Market Research Future – MRFR 2019: Quy mô thị trường dược liệu toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức hơn 129 tỷ USD vào năm 2023, mức độ tăng trưởng khoảng 5,88 % trong giai đoạn dự báo từ 2018 đến 2023.
Phân khúc thị trường dược liệu toàn cầu được chia thành thuốc dược liệu; thực phẩm chức năng thảo dược; bổ sung chế độ ăn uống thảo dược và các sản phẩm làm đẹp thảo dược.
Thuốc dược liệu cho đến nay là phân khúc sản phẩm chiếm ưu thế nhất trong thị trường dược liệu toàn cầu và chiếm khoảng 50,9 tỷ USD trong năm 2017.
Chính phủ ở các nước phát triển, nhất là ở châu Âu, rất quan tâm đến nhu cầu ngày càng tăng về thuốc dược liệu, đã tài trợ cho những nỗ lực nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực này để có những sản phẩm công nghệ cao cung cấp cho khách hàng, đây đang là động lực chính cho thị trường thuốc dược liệu.
Theo WHO, 80% dân số thế giới ở các nước đang phát triển, chăm sóc sức khỏe liên quan đến y học cổ truyền hoặc dùng thuốc từ thảo dược truyền thống.
Ở nước ta, cả nước hiện có hơn 60 bệnh viện y học cổ truyền công lập; hơn 90% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân đang sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh (theo Cục Quản lý Y dược cổ truyền). Nhu cầu trong nước hàng năm cần khoảng 60 đến 80 ngàn tấn dược liệu.
Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nhu cầu hàng năm về nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm chức năng của Việt Nam là khoảng từ 50.000 tấn có liên quan đến dược liệu (sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu dược liệu trong nước).
Hiện có 229 loại thuốc đông y và 349 vị thuốc từ cây, con, khoáng vật làm thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế (Thông tư số 04/VBHN-BYT ngày 13/4/2018). Như vậy nhu cầu về nguyên liệu dược liệu cho thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng trong nước và xuất khẩu còn rất lớn.
Tổng sản lượng dược liệu cả nước ước tính chưa đầy đủ hiện khoảng 55,5 nghìn tấn, trong đó: Sản lượng hồi 20,9 nghìn tấn; tam thất: 1,4 nghìn tấn; sâm các loại 0,5 nghìn tấn; sa nhân: 0, 5 nghìn tấn; ý dĩ 0,7 nghìn tấn; thảo quả 2 nghìn tấn; ba kích 0,8 nghìn tấn…
Đối với các sản phẩm dược liệu thông thường (cây bản địa) như hồi, hòe, quế, thảo quả, nghệ… hiện cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên dược liệu đầu vị thuốc Bắc (cây nhập nội) như đương quy, ý dĩ, tam thất, xuyên khung… một số loại vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài khoảng 80% sản lượng tiêu thụ hàng năm của nước ta.
Cùng với việc phát triển cây dược liệu bản địa, nước ta đã nhập nội trên 100 loài và dòng cây thuốc từ Nhật Bản, Trung Quốc, Cu Ba, Triều Tiên, trong đó có 30 loài được đưa vào sản xuất diện rộng. Trong đó 20 loài là cây thuốc Bắc đầu vị (cát cánh, địa hoàng, bạch chỉ, bạch truật…); cây nguyên liệu công nghiệp dược (actisô, bạc hà, ba gạc bốn lá…), hoặc cây xuất khẩu như lão quan thảo, phan tả diệp đang có trong sản xuất dược liệu cả nước.
Đến nay, cả nước có 517 doanh nghiệp sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu. Trong thời gian qua một số doanh nghiệp đã đầu tư giống, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và xây dựng vùng trồng, nhà máy chế biến dược liệu, tiêu biểu như:
Công ty Traphaco đã thực hiện dự án BioTrade phát triển dược liệu đinh lăng trồng tại Nghĩa Hưng, Nam Định, trồng cây tam thất ở Cao Bằng, sâm Ngọc linh ở Quảng Nam, Kon Tum, trồng actiso và Chè dây tại Sa Pa – Lào Cai theo tiêu chuẩn VietGAP; thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
Công ty xuất nhập khẩu Y tế II TP Hồ Chí Minh đã xây dựng vùng trồng hoa hòe xen canh với cây nông nghiệp ở Tây nguyên;
Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười đã qui hoạch vùng trồng tràm để chưng cất tinh dầu.
Công ty cổ phần Dược Mediplantex, Công ty TNHH dược phẩm Châu Giang xây dựng vùng trồng bạc hà Nhật Bản tại Hưng Yên và Nam Định, Bình Định.
Công ty OPC xây dựng vùng trồng Kim tiền thảo tại Bắc Giang. Công ty Dược liệu TW II xây dựng vùng nguyên liệu trinh nữ hoàng cung…
Riêng tại Lào Cai, đã có các công ty tham gia liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm dược liệu như: Công ty Traphacosapa, Công ty TNHH Tài nguyên xanh, Công ty TNHH Tâm phát Green, Công ty OPC, Công ty CP dược Việt – Nhật, Công ty CP dược Nam Hà, Công ty Hùng Dũng. Hàng năm tiêu thụ trên 3.000 tấn sản phẩm dược liệu các loại, trong đó: Actiso 2.900 tấn, xuyên khung 240 tấn, đương quy 111 tấn, tam thất 17 tấn, y dĩ 25 tấn chè dây 40 tấn đạt khoảng 35% sản lượng dược liệu hàng năm, góp phần phát triển bền vững hơn đối với ngành sản xuất dược liệu của Lào Cai.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg năm 2013 (Quyết định 1976), tổng diện tích cây dược liệu cả nước chỉ vào khoảng 28,3 nghìn ha. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, diện tích các lại cây dược liệu đã vượt quá xa so với quy hoạch.
Điển hình như chỉ riêng tỉnh Kon Tum, hiện đã quy hoạch phát triển cây sâm Ngọc Linh với diện tích khoảng 31,7 nghìn ha. Hiện tỉnh này đã trồng được trên 2.000 ha sâm Ngọc Linh và đang tiếp tục phát triển rất mạnh. Như vậy, chỉ riêng một loại cây dược liệu là sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum, quy hoạch định hướng đã vượt xa so với quy hoạch tổng diện tích cây dược liệu của cả nước theo Quyết định 1976 (chỉ có 28,3 nghìn ha cả nước).
Cây hồi theo quy hoạch của Quyết định 1976 cả nước chỉ khoảng 500 ha, thì hiện cả nước diện tích cây hồi đã lên tới trên 57 nghìn ha (chênh nhau hàng trăm lần); cây quế chỉ quy hoạch 2.000 ha thì diện tích thực tế hiện đã lên tới 105 nghìn ha.
Cây tràm lá dài quy hoạch chỉ 1.000 ha thì hiện đã trên 9.000 ha; cây sơn tra quy hoạch chỏ 2.000 ha thì thực tế hiện đã trên 20 nghìn ha….
Theo Cục Trồng trọt, đến hết năm 2020, diện tích cây dược liệu cả nước đạt khoảng 77,4 nghìn ha, trong đó cây dược liệu lâu năm đạt 47,8 nghìn ha (chiếm 61,8% tổng diện tích dược liệu cả nước), cây dược liệu hàng năm đạt 29,6 nghìn ha (chiếm 38,2% diện tích dược liệu cả nước). So với định hướng tại Quyết định 1976, diện tích dược liệu đến nay đã vượt 166,67 % so kế hoạch.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam đáp ứng được 60% và đến năm 2030 là 80% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước. Tuy nhiên theo đánh giá, nguồn dược liệu hiện mới đáp ứng được 30% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu dược liệu (trong đó chủ yếu từ Trung Quốc).
Theo Tổng cục Lâm nghiệp: Trong lâm nghiệp hiện nay có 20 loài cây trồng chính, trong đó cây lâm nghiệp dược liệu có 4 loài, bao gồm hồi, quế, tràm lá dài và sơn tra (táo mèo). Trong đó, đã công nhận giống cây lâm nghiệp dược liệu đối với gồm tràm lá dài. Ngoài ra, 3 loài còn lại đều đã có nguồn giống được công nhận từ chọn lọc quần thể tự nhiên.
Ngoài ra, một số loài cây dược liệu không nằm trong nhóm cây lâm nghiệp chính, nhưng cũng đã có giống được công nhận bảo hộ giống như sa nhân tím, sâm Lai Châu…
Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp hiện cũng đã xây dựng được 9 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến giống, quy trình kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật sản xuất các loài cây dược liệu…
Hiện Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp ưu tiên cho một số đề tài nghiên cứu liên quan đến cây dược liệu, điển hình như: Phục tráng sâm Lai Châu; phát triển ba kích, sa nhân, đẳng sâm; sản xuất thử tam thất hoa… Một số dự án khuyến nông cũng đưa dược liệu vào sản xuất ở nhiều địa phương trên cả nước. Bộ NN-PTNT cũng đã triển khai chương trình bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cây lâm sản ngoài gỗ làm dược liệu…
Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Hiện nay, đại đa số cây dược liệu là nằm ở rừng, trong đó có nhiều cây dược liệu quý hiếm, thuộc nhóm nguy cấp, Sách đỏ, loài có giá trị kinh tế cao… ở các rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng.
Tuy nhiên, cơ chế để phát triển và khai thác các dược liệu quý hiếm trong rừng đặc dụng nhìn chung không khuyến khích cho việc khai thác dược liệu cũng như lâm sản ngoài gỗ (đặc biệt vùng lõi tuyệt đối không được khai thác kể cả gỗ và dược liệu, lâm sản ngoài gỗ).
Đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất, quy định hiện nay cho phép được trồng và khai thác lâm sản ngoài gỗ, nhất là đối với rừng sản xuất (rừng phòng hộ có quy định tỉ lệ trồng xen lâm sản ngoài gỗ không quá 30%). Đây là những tiềm năng còn vô cùng lớn để kết hợp phát triển lâm sản ngoài gỗ nói chung, trong đó có cây dược liệu.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là đối với rừng phòng hộ, rừng sản xuất, quy định chỉ cho phép trực tiếp chủ rừng (hộ dân hoặc cộng đồng dân cư) kết hợp phát triển, khai thác lâm sản ngoài gỗ, mà chưa có cơ chế cho phép liên kết, liên doanh với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bên ngoài để phát triển và khai thác lâm sản ngoài gỗ.
Theo đó, quy định hiện nay chỉ cho phép cho thuê dịch vụ môi trường rừng để làm du lịch sinh thái, chứ chưa cho phép thuê dịch vụ rừng để trồng cấy, sản xuất đối với các hoạt động khác về lâm sản ngoài gỗ (trong đó có cây dược liệu), cũng như các hoạt động sản xuất khác…
Điều này đã và đang khiến việc đẩy mạnh phát triển sản xuất và khai thác lâm sản ngoài gỗ, trong đó có cây dược liệu gặp khá nhiều khó khăn. Bởi bản thân chủ rừng hiện nay thường không đủ năng lực về vốn, trình độ khoa học kỹ thuật… để đầu tư một cách bài bản cho việc phát triển lâm sản ngoài gỗ có tính hàng hóa, nhất là sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị có tính hàng hóa cao.
“Hiện nay, rừng tự nhiên chúng ta đã đóng cửa. Vì vậy, hướng đi cho cây dược liệu tới đây, chỉ có thể dựa vào rừng phòng hộ, rừng trồng. Theo đó, phải hình thành những rừng chuyên cung cấp lâm sản ngoài gỗ, trong đó có rừng cung cấp dược liệu’, ông Phạm Văn Điển nêu quan điểm.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/