Thạch hộc tía có tác dụng chống lão hóa, phòng ngừa ung thư, tăng cường sức đề kháng, giúp làm giãn mạch máu… Vì thế, nó được được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý. Nắm rõ các thông tin về thạch hộc tía sẽ giúp bệnh nhân chủ động trong việc điều trị bệnh cho bản thân.
I/ Thông tin cần biết về thạch hộc tía
1. Tên gọi
- Tên khoa học: Dendrobium officinale Kimura et Migo
- Họ: Lan
- Chi: Thạch hộc
2. Đặc điểm phân bố và hình thái
*) Đặc điểm hình thái của thạch hộc tía:
Thạch hộc sống phụ sinh trên thân cây gỗ hoặc ở những vách đá. Chúng thường mọc thành khóm và chỉ cao khoảng 30 – 50cm. Thân của cây thạch hộc không tròn và có hình hơi dẹt, có những rãnh dọc xuất hiện trên thân, thân dưới mỏng hơn phần thân phía trên. Ngoài ra, trên thân có những đốt dài khoảng 2, 5 – 3cm, có vân dọc. Tùy vào từng dạng thạch hộc mà màu thân cũng khác nhau. Nếu là thạch hộc tía, thân của chúng sẽ có màu tím. Còn với các dạng thạch hộc khác, thân của chúng có màu xanh.
Lá rộng khoảng 2 – 3 cm, dài khoảng 12cm. Nó có hình thuôn dài mọc so le và tạo thành dây đều 2 bên thân.Trên mặt lá thạch hộc có 5 gân dọc và gần như không có cuống, đầu của lá hơi cuộn lại thành hình cái móng. Hoa to, có 2 – 4 cánh hình bầu dục hoặc nhọn cuốn thành phễu, mọc ở kẽ lá. Nó có màu hồng, nhưng trong họng hoa sẽ xuất hiện các chấm màu tím. Chúng không mọc riêng lẻ mà mọc thành chùm trên các cuống dài. Quả nang có hình hơi thoi, nó sẽ tự nở ra khi khô. Trong quả có rất nhiều hạt nhỏ như bụi phấn. Thông thường, hoa sẽ nở vào khoảng tháng 2 – 4, mùa quả là vào tháng 4 – 6. Loại cây này có thể mọc hoang nhưng cũng có thể được dùng làm cảnh.
*) Phân bố:
Hiện nay trên khắp thế giới có khoảng 1400 loài Lan, ở Trung Quốc có khoảng 81 loài. Trong chi Thạch hộc cũng có rất nhiều loài được dùng để chữa bệnh. Tại Trung Quốc, chi Thạch hộc có khoảng 12 loài phụ và 14 loài chính, trong đó có tới 11 loài được xem là dược liệu quý. Đặc biệt, Thạch hộc tía là loài được đánh giá cao nhất và cũng có giá trị kinh tế lớn nhất.
Tại Việt Nam cũng có nhiều loài Lan. Chúng được phân bố rộng rãi, trải dài từ Bắc vào Nam. Có nhiều loại sắp hoặc đã bị tuyệt chủng, một số khác thì đang được liệt vào sách đỏ cần phải được bảo tồn. Trong số những loài này, chúng ta cần kể đến loài lan Thạch hộc Dendrobium nobile Lindl. Nó phân bố chủ yếu ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, được nghiên cứu nhân giống nhằm mục đích làm thuốc.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
- Bộ phận dùng: Toàn thân
- Thu hái, chế biến: Thạch hộc tía sau khi được thu hái, rửa sạch và dùng tươi.
4. Tính vị, quy kinh
*) Tính vị:
Thạch hộc có vị hơi ngọt đắng, tính hàn vào 3 kinh phế, vị, thận, có tác dụng công năng tư âm, thanh nhiệt, chỉ khát, hư hao, gầy yếu, miệng khô.
Theo các ghi chép của sách cổ:
- Sách Bản kinh: Vị ngọt bình.
- Sách Trấn nam bản thảo: Vị ngọt nhạt, tính bình.
- Sách dược phẩm hóa nghĩa: Có vị đắng tính lương.
*) Quy kinh:
- Sách bản thảo cương mục: Túc thái âm tỳ, túc thiếu âm hữu thận.
- Sách bản thảo kinh sơ: Thiếu âm, thủ thiếu âm, nhập túc dương minh.
- Sách Dược phẩm hóa nghĩa: Vị đắng tính lương.
5. Công năng
*) Làm thuốc:
Thạch hộc tía được đánh giá là có giá trị độc đáo và có tác dụng tốt trong việc bảo vệ sức khỏe. Nó đã được sử dụng từ lâu để bồi dưỡng cho cơ thể. Để chữa bệnh hoặc tăng cường sức khỏe, thạch hộc có thể dùng ở dạng đơn độc hoặc kết hợp với các loại dược liệu khác. Cho đến nay, đã có hơn 100 bài thuốc từ loại thảo dược này được người dân công nhận và áp dụng. Trong đó, các bài thuốc từ thạch hộc tía vẫn được mọi người ưa chuộng nhất.
*) Làm thực phẩm:
Ngoài việc làm thuốc, có thể dùng Thạch hộc để chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng cho cơ thể. Chẳng hạn như nấu súp với hồng sâm, bách sa có tác dụng lợi phổi, sinh tân. Bên cạnh đó, có thể dùng nó để nấu thành nhiều món khác như trà Thạch hộc, cháo Thạch hộc… Ngoài ra, với sự phát triển không ngừng của nền y học, hiện nay có nhiều dạng sản phẩm chức năng được điều chế từ thạch hộc. Chúng là những sản phẩm bổ dưỡng và cũng an toàn cho sức khỏe, do đó bạn có thể tham khảo và sử dụng.
6. Tác dụng dược lý
Thạch hộc tía có các tác dụng dược lý sau đây:
- Thực nghiệm trên súc vật: Cho uống nước thạch hộc tía, thấy tăng tiết dịch vị, làm nhu động ruột và thông tiện, trợ tiêu hóa. Ở liều cao lại khiến cho cơ ruột bị tê liệt. Ở nồng độ thấp, có tác dụng kích thích tá tràng cô lập của thỏ, ngược lại nồng độ cao lại có tác dụng ức chế.
- Hạ nhiệt, giảm đau nhẹ.
- Thực nghiệm trên súc vật: Thạch hộc có khả năng làm tăng lượng đường huyết ở mức độ trung bình. Ở liều cao lại ức chế hô hấp, hạ huyết áp, tim.
Ghi chép của các Y văn cổ:
- Sách Bản thảo bị yếu: “Trị di mộng tinh, hoạt tinh”.
- Sách Danh y biệt lục: “Ích khí, trưởng cơ nhục, bình vị khí, trục nhiệt tà ở bì phu, chân gối tê yếu, lạnh đau, định chí trừ kinh”.
- Sách Bản thảo tái tân: “Thanh vị nhiệt, trừ tâm trung phiền khát, an thần định kinh, trị thận kinh hư nhiệt”.
- Sách Bản kinh: “Trừ tý hạ khí, chủ thương trung, bổ ngũ tạng hư lao, gầy yếu cường âm”.
Các nghiên cứu của Y học hiện đại cho thấy, Thạch hộc tía có khả năng chống lão hóa, làm giãn mạch máu, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, ngăn chặn đông máu. Do đó, được dùng rộng rãi trong lâm sàng và các bài thuốc khác nhau.
7. Thành phần hóa học
Trong thành phần của cây thạch hộc chứa nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học quý. Cụ thể, thạch hộc tía giàu:
- Polysacarit thạch hộc chiếm 22%
- Các loại acid amin như: Asparagic, glutamic, glucin chiếm tới 35% trong tổng số các acid amin.
- Chất khoáng canxi, kali, mangan, titan, đồng, các nguyên tố vi lượng…
- Phenanthryn
- Keton
- Bibenzyl
- Hợp chất amidon.
- Các chất nhầy.
Vì loại thảo dược thạch hộc tía có chứa các đặc tính và các hoạt chất đặc trưng. Do đó, việc kiểm nghiệm các thành phần hoạt chất cũng sẽ giúp giám định chính xác loài đó có phải là Thạch hộc tía hay không. Tránh nhầm lẫn với các hàng giả. Cụ thể:
- Thân thạch hộc tía có hàm lượng alkaloit chiếm 0.3%. Trong đó, các chất đã amine đã được giám định cấu trúc bao gồm: dendramine, dendrobine, 6-hydroxy-dendroxine, nobilonine, shiunin, dendrin, shihunidine, 8-epidendrobine, muối amoniac N-methyl-dendrobium. Chúng đều có vị hơi đắng.
- Ngoài các alkaloit, thân của loại thảo dược này còn chứa tinh dầu bay hơi. Chiếm tới 50% thành phần là chất manool thuộc hợp chất ditecpen.
II/ Các bài thuốc chữa bệnh từ cây thạch hộc tía
Từ những tác dụng dược lý và thành phần hóa học vốn có, thạch hộc tía được sử dụng để điều trị nhiều chứng bệnh. Dưới đây là các bài thuốc chữa bệnh tiêu biểu từ loại cây này:
Bài thuốc ích thận cường dương, dưỡng khí bổ huyết:
+ Thành phần: 6g thạch hộc, 4g ngũ vị tử, mạch môn 4g, 4g ngưu tất, 4g đảng sâm, 4g trích cam thảo, 4g câu kỷ tử, 4g ngưu tất, 4g đỗ trọng.
+ Cách thực hiện: Cho các vị thuốc vào ấm và sắc lên cùng với 500ml nước. Đun sôi với ngọn lửa nhỏ cho đến khi lượng nước còn lại khoảng 300ml thì tắt bếp. Chia lượng thuốc thu được thành 3 lần dùng, uống hết trong ngày. Tác dụng của bài thuốc này là bồi bổ cơ thể, tốt cho những người gầy yếu, chức năng thận bị suy giảm.
Chữa ho bằng bài thuốc từ thạch hộc tía:
Để trị ho bằng bài thuốc từ thạch hộc tía, bệnh nhân cần chuẩn bị: 6g thạch hộc, 4g mạch môn, 4g tỳ bà diệp, 4g trần bì. Tương tự như bài thuốc trên, với bài thuốc này, bạn cũng đem chúng đi sắc lên cùng với khoảng 300ml nước. Đun cho đến khi thấy nước cạn còn 200ml thì tắt bếp. Chia lượng thuốc còn lại thành 3 lần uống, dùng hết trong ngày. Thực hiện thường xuyên để mang đến hiệu quả như mong muốn.
Uống rượu ngâm thạch hộc tía giúp bồi bổ cơ thể, tráng kiện gân cốt:
Rượu thạch hộc tía có tác dụng bồi bổ cơ thể, tráng kiện gân cốt, sinh tinh bổ huyết. Để ngâm rượu bằng loại thảo dược này, bạn có thể tham khảo cách sau: Chuẩn bị 500g thạch hộc, 500g mạch môn, 300g đẳng sâm, 300g ngũ vị tử, 300g câu kỷ tử, 100g đỗ trọng, 200g đương quy. Cho các vị thuốc này vào một cái bình thủy tinh, đổ khoảng 10 lít rượu vào rồi đậy nắp kín. Sau một thời gian, dùng rượu này để uống thường xuyên sẽ cảm nhận được hiệu quả của nó.
Những bài thuốc chữa bệnh từ cây thạch hộc tía được cho là an toàn, ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, những người bị huyết áp thấp không nên áp dụng bài thuốc này. Thêm vào đó, chỉ nên sử dụng với liều lượng phù hợp, dùng quá liều có thể gây phản tác dụng.
Trên đây là các thông tin tham khảo về thảo dược thạch hộc tía và các bài thuốc được dùng phổ biến. Để được cung cấp một cách chính xác nhất về loại thảo dược này, vui lòng liên hệ với các chuyên gia có chuyên môn.