Tại buổi tập huấn, PGS. TS. Phạm Bảo Dương, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, Học viện luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động cộng đồng trong phạm vi của mình.

Đánh giá đất ở HTX Tâm Ngọc rất màu mỡ, phù hợp với trồng nhiều loại cây, song PGS, TS. Phạm Bảo Dương cho rằng, HTX không nên trồng quá tràn lan mà cần tập trung vào một số loại cây trồng có giá trị cao.

Vì vậy, thông qua việc trao tặng 400 cây chuối dược liệu giống mới nhập khẩu cho HTX Tâm Ngọc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn, HTX sẽ là mô hình đầu tiên trồng chuối theo hướng dược liệu (GACP-WHO), cung cấp quả đạt tiêu chuẩn dược liệu. Hai giống chuối được trao cho HTX Tâm Ngọc gồm chuối tiêu Bột vàng No.1 (thuộc nhóm chuối tiêu, chuối già) và chuối tây quế giao No.1 (thuộc nhóm chuối tây, chuối sứ).

Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao tặng chuối dược liệu giống mới nhập khẩu cho HTX Tâm Ngọc

TS. Phạm Phú Long, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển cây dược liệu chia sẻ: “Chúng tôi muốn định hướng HTX Tâm Ngọc sản xuất theo chuỗi và tiêu chuẩn. Vì vậy, HTX cần tái cơ cấu lại quy trình canh tác, thu hái, chế biến sản phẩm theo một quy trình được cơ quan chức năng công nhận, để nâng cao giá trị cho sản phẩm”. Bên cạnh cử kỹ sư đến hỗ trợ, nếu sau này thành viên HTX Tâm Ngọc muốn nắm thêm kỹ thuật, thì Học viện sẽ giúp đỡ đào tạo thông qua những khóa học ngắn hạn từ 1-2 tuần.

Trước mắt, thời gian tới, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây dược liệu sẽ đồng hành cùng HTX để cung cấp giống chuối, quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng như thu hái và bảo quản chế biến, nâng giá trị của quả chuối trong chuỗi những sản phẩm dược liệu của HTX và của Học viện.

HTX được kỳ vọng là mô hình đầu tiên trồng chuối theo hướng dược liệu (GACP-WHO), cung cấp quả đạt tiêu chuẩn dược liệu

Bày tỏ vui mừng trước sự giúp đỡ của các chuyên gia, Giám đốc HTX Tâm Ngọc Trần Thị Thuần khẳng định: “Chúng tôi sẽ thực hiện theo quy trình do Viện Nghiên cứu và Phát triển cây dược liệu hướng dẫn, giúp cây trồng đạt tiêu chuẩn ngay từ đầu vào (giống) cho đến đầu ra để đảm bảo chất lượng”.

Các chuyên gia chia sẻ kỹ thuật trồng chuối dược liệu cho thành viên HTX

Chia sẻ về những dự định, ấp ủ thực hiện trong thời gian tới, Giám đốc HTX Tâm Ngọc trăn trở, các bạn khuyết tật ở nông thôn rất hạn chế về tri thức và tiếp cận công nghệ. Vì vậy, qua những dự án mới, chị muốn các bạn ấy được tạo thêm công ăn việc làm, có cơ hội học hỏi và phát huy khả năng của mình.

Trước đó, chị Thuần thường xuyên phải tự lặn lội, mày mò đến các tỉnh Thái Bình, Lào Cai, Cao Bằng…

để học hỏi cách trồng cây dược liệu và tự áp dụng, rồi dần dần tự cải thiện theo hướng tốt hơn. Bản thân không được đào tạo bài bản, do đó, chị vô cùng trân quý những hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

“Sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Học viện Nông nghiệp là nền tảng quan trọng cho sản phẩm đầu ra của HTX, chắc chắn sẽ được đánh giá rất cao trên thị trường”, chị Thuần nói.

Bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo hỗ trợ HTX trồng cây

Cũng trong khuôn khổ chương trình, bà Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tặng hoa cho Giám đốc Trần Thị Thuần nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), đồng thời gửi tặng quà của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đến người lao động nữ tại HTX Tâm Ngọc nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10)./.

Bà Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng hoa và quà cho HTX Tâm Ngọc