Hội thảo quốc tế:” Dược liệu châu Á: Tiềm năng, Thách thức và Cơ hội phát triển “

Cây dược liệu đã và đang được sử dụng trong y học cổ truyền của nhiều nước châu Á trong đó bao gồm cả Việt Nam từ hàng nghìn năm trước. Hiện nay, nhu cầu sử dụng thảo dược làm thuốc, thực phẩm, đồ uống hay kết hợp với du lịch đang gia tăng nhanh chóng ở các nước ở châu Á. Tuy nhiên, nguồn gen cây dược liệu ngoài tự nhiên hiện nay đang bị khai thác triệt để, không bền vững, dẫn đến nguy cơ xói mòn nguồn gen. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng đang trở thành mối đe dọa lớn làm mất dần môi trường sống cho nhiều loài cây dược liệu. Với mục đích tập hợp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả nghiên cứu để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kết quả nghiên cứu cây dược liệu, đồng thời thúc đẩy kết nối mạng lưới nghiên cứu cây dược liệu, vào ngày 11 tháng 12 năm 2021, Viện Nghiên cứu & Phát triển Cây dược liệu và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế trực tuyến:”Dược liệu châu Á: Tiềm năng, Thách thức và Cơ hội phát triển“.

Điểm cầu trực tuyến tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Hội thảo được chủ trì bởi GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Xuân Cường – Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cố vấn cao cấp Học viện; và PGS.TS. Trần Văn Quang – Trưởng khoa Nông Học, PGS.TS. Ninh Thị Phíp – Phó Trưởng khoa Nông Học, TS. Phạm Phú Long – Giám đốc Viện nghiên cứu và Phát triển cây dược liệu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Thành phần tham dự Hội thảo gồm có các chuyên gia ngoài nước đến từ Trung Quốc – GS.TS Zhang Zhi Sheng, Trường Lâm nghiệp và Kiến trúc cảnh quan, Đại học Nông nghiệp Nam Trung, Quảng Châu; và Ấn Độ gồm GS.TS. Prabodh Kumar Trivedi, TS. V. Sundaresan, TS. Ramesh Kumar Srivisi, TS. Debabrata Chanda Raju thuộc Viện Nghiên cứu Cây dược liệu & Cây gia vị Trung Ương, Ấn Độ, TS. Raja Chakraborty – Đại học Adamas, Ấn Độ.

Đại diện bộ, ngành địa phương gồm có TS. Trần Minh Ngọc – Cục Y học cổ truyền, Bộ Y tế, Ông Phạm Đức Nghiệm – Cục phó Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp, Ông Lê Trường Giang – Trưởng Văn phòng đại diện KHCN Việt Nam tại Ấn Độ và Ông Bùi Xuân Quỳnh Văn phòng 1136, Bộ Khoa học và Công nghệ. Về phía các địa phương tham dự Hội thảo gồm có: Ông Dương Tất Thắng – Bí thư Thành Ủy Hà Tĩnh; Ông Trần Xuân Khải – Chi cục trưởng Cục trồng trọt và BVTV tỉnh Gia Lai; Lãnh đạo Phòng Kinh tế, TP Bảo Lộc, Tỉnh Lâm Đồng; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP Bảo Lộc, Tỉnh Lâm Đồng; Đại biểu đại diện các Sở Khoa học công nghệ Cao Bằng, Gia Lai, Lâm Đồng. Về phía doanh nghiệp tham dự Hội thảo gồm có bà Dương Thị Bích Diệp – Chủ tịch HĐQT Công ty Dược liệu Tân Thành, ông Đặng Minh Đức Tổng giám đốc -, Trưởng phòng kinh doanh quốc tế – bà Phạm Phương Dung; Viện thuốc nam – Giám đốc. TS. Ngô Đức Phương; Công ty TNHH nguyên liệu dược Big Herbalife; Công ty CP Tam thất Hà Giang; Công ty Dược Hà Minh – Giám đốc ThS. Hà Minh Toản và một số công ty khác. Tham dự Hội thảo còn có đại diện Ban Khoa học và Công nghệ, Ban Hợp tác quốc tế, các thầy giáo, cô giáo Khoa Nông học và các cán bộ Viện Nghiên cứu và Phát triển cây Dược liệu thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

GS.TS. Nguyễn Thị Lan phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Lan đã nhấn mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững nguồn cây dược liệu theo hướng VietGAP/GlobalGAP/Organic là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp dược, dược liệu theo Quyết định số 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã luôn coi “Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường Đại học”, và coi “Chất lượng là sự sống còn của trường Đại học”. Do vậy, trong thời gian vừa qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tập trung nghiên cứu nhiều về cây dược liệu, chọn lọc một số loài đinh lăng, các loại cúc làm trà thảo dược, đương quy, sâm, các loại lan làm thuốc, tạo đột biến làm tăng các hàm lượng dược học trong lan Thạch Hộc cũng như cây nghệ, các loại tảo ứng dụng trong các sản phẩm làm đẹp, nâng cao sức khỏe con người, các loại nấm dược liệu, các loại tinh dầu, và rất nhiều những sản phẩm dược liệu khác. GS.TS. Nguyễn Thị Lan hi vọng thông qua sự thảo luận, trao đổi của các đại biểu trong và ngoài nước tham dự Hội thảo, ngành dược liệu ở Việt Nam sẽ thấy được một bức tranh tổng thể và từ đó xác định được chiến lược phát triển mang tính đột phá và bền vững.

TS. Nguyễn Xuân Cường phát biểu đề dẫn hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Cường, cố vấn cao cấp của Học viện đã chỉ ra rằng dược liệu là một ngành hàng giàu tiềm năng trên thế giới và là một trong những thế mạnh ở Việt Nam. Nhu cầu sử dụng dược liệu trên thế giới ở quy mô khá lớn và tăng trưởng rất nhanh. Hiện tại, thị trường thương mại toàn cầu khoảng 130 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 6-7% trên năm cho ba phân khúc lớn: sản xuất thuốc, thực phẩm và chế phẩm, mỹ phẩm làm đẹp. Ở Việt Nam, chỉ tính riêng nhu cầu về thuốc theo Cục Dược VN bình quân hiện nay khoảng 40-60 USD/người/năm với tốc độ tăng trưởng 12-14%/năm, và như vậy vào khoảng 7-8 tỷ USD/năm. Chủ trương của chúng ta tập trung phát triển công nghiệp dược chủ động dựa vào nền sản xuất công nghiệp trong nước và nền tảng dược liệu thông qua các mục tiêu, định hướng, nhóm giải pháp tại Quyết định số 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TS. Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tầm quan trong, ý nghĩa to lớn và rất thiết thực của Hội thảo: “Dược liệu châu Á: Tiềm năng, Thách thức và Cơ hội phát triển” với mục đích nhận dạng rõ hơn tiềm năng, lợi thế cũng như thách thức phát triển của dược liệu thế giới và ngành dược liệu Việt Nam qua đó thực hiện hai chức năng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Một là từ thực tế phát triển khẳng định thêm các cơ sở để hoàn thiện hệ sinh thái hoạt động của Học viện trên cả 3 mặt: đào tạo nguồn nhân lực, tập trung các hướng nghiên cứu chuyên sâu và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, với doanh nghiệp, địa phương về lĩnh vực dược liệu. Hai là tham mưu cho Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN cùng các Bộ/Ban/Ngành liên quan tiếp tục có bước hoàn thiện thể chế, văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tổ chức quản lý để cùng với khu vực doanh nghiệp, người dân và cộng đồng các nhà khoa học, hợp tác quốc tế góp phần thúc đẩy ngành dược liệu Việt Nam phát triển.

Hội thảo đã thu hút trên 300 đại biểu tham dự tại các điểm cầu trực tuyến cùng với 80 các nhà khoa học, diễn giả, nhóm tác giả đến từ các trường ĐH tại Trung Quốc, các Viện Nghiên cứu Dược liệu tại Ấn Độ, và các Viện, trường Đại học tại Việt Nam với 12 báo cáo tham luận, tập trung trao đổi và thảo luận khá bao quát, toàn diện các vấn đề liên quan đến phát triển ngành dược liệu Việt Nam bao gồm: chủ trương, chính sách phát triển cây dược liệu của Việt Nam, cây dược liệu Việt Nam, những thách thức và phát triển cũng như những cơ hội cho ngành dược liệu; Vai trò của cây làm thuốc ở Việt Nam, hiện trạng và định hướng phát triển bền vững; Những tiến bộ trong việc nghiên cứu và nhân giống cây lan thạch hộc Dendrobium ở Trung Quốc; Hiện trạng và tình hình bảo tồn các loại cây thuốc của Ấn độ, vai trò của cây thuốc và cây lấy dầu của Ấn độ trên thị trường thế giới; Y học cổ truyền Ấn độ quá trình phát triển và tương lai của ngành này; Thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc tim mạch trên động vật và vai trò của các kênh Kali và Canxi; Mô hình ứng dụng dược liệu trong chăn nuôi, phòng trừ bệnh chăn nuôi, các nghiên cứu về phân bón đối với cây dược liệu,vv…

Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn tài nguyên cây dược liệu phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó cộng đồng các dân tộc Việt Nam có kinh nghiệm sử dụng cây dược liệu để phòng và chữa bệnh từ lâu đời. Đồng thời đất đai và điều kiện khí hậu Việt Nam phù hợp với nhiều loại cây trồng, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý có xuất xứ từ các nguồn khác nhau. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên của Việt Nam đang ngày một cạn kiệt, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cây dược liệu nuôi trồng đang bị thu hẹp hoặc phát triển một cách tự phát, mất cân đối. Khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên cây dược liệu đang là vấn đề cấp bách đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, phát triển dược liệu trong giai đoạn tới cũng mở ra cơ hội lớn cho việc giao thương, tham gia thị trường quốc tế về dược liệu và dược phẩm có nguồn gốc tự nhiên.cho rằng, trung tâm đa dạng nguồn gen cây thuốc, châu Á có 38.660 loài được dùng làm thuốc, khoảng 78 loài được trồng và thương mại hóa. Việc khai thác và trồng trọt cây dược liệu đã là một phần không thể thiếu ở các quốc gia châu Á khác như Bangladesh, Ấn độ, Nepal, Pakistan, Myanmar và Indonesia. Giá trị xuất khẩu dược liệu đang tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên nghiên cứu về giá cả cho thấy rất đa dạng tùy thuộc vào thị trường và chất lượng sản phẩm. Do vậy cần phân tích những đòi hỏi của thị trường cũng như phân tích chuỗi giá trị bao gồm, quản trị, các chủ thể và các lựa chọn nâng cấp trong hệ thống sản xuất cây thuốc khác nhau trong bối cảnh các nước châu Á giúp thiết lập thị trường tốt và ổn định.

TS. Trần Văn Ơn – Bộ môn Thực vật học, Đại học Dược Hà Nội, trình bày tham luận: Dược liệu Việt nam: Tiềm năng, Thách thức và Cơ hội phát triển”

TS. Nguyễn Bá Hoạt – Nguyên viện phó Viện dược liệu trình bày tham luận:“Cây làm thuốc ở Việt Nam. Vai trò, hiện trạng và định hướng phát triển bền vững”

Các đại biểu tham dự trực tuyến qua Zoom

 

TS V. Sundaresan – Viện Nghiên cứu Cây dược liệu & Cây gia vị Trung Ương, Ấn Độ tham luận: “Diversity, Distribution and Conservation status of Indian Medicinal Plants”

PGS.TS. Trần Văn Quang phát biểu bế mạc hội thảo

Thông qua quá trình trao đổi, thảo luận, các diễn giả đã làm rõ hơn tiềm năng, lợi thế của của cây dược liệu khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng với nhiều kinh nghiệm phát triển ở các quy mô, cấp độ khác nhau. Đồng thời, tại Hội thảo đã trình bày các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong công tác lai tạo và nhân giống cây dược liệu chính có quy mô về sản lượng và thị trường lớn. Trong phiên thảo luận chuyên đề và tổng thể đã diễn ra rất sôi nổi, với nhiều câu hỏi được đặt ra cho các diễn giả cũng như những trao đổi, đánh giá của chuyên gia đã góp phần đóng góp thiết thực vào kết quả chung của Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, thay mặt cho Ban chủ trì, PGS.TS. Trần Văn Quang bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến các diễn giả, các nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp, đại biểu tham dự đã có những ý kiến tham luận, phản biện, đóng góp vô cùng quý báu cho Hội thảo. Thông qua Hội thảo hi vọng đây cũng là bước khởi đầu về hợp tác và gắn kết giữa người sản xuất, nhà khoa học và nhà quản lý và các công ty về dược liệu trong và ngoài nước để nâng tầm ngành dược liệu thành một ngành mũi nhọn của chiến lược phát triển dược liệu quốc gia. Ban tổ chức sẽ hoàn thiện, biên tập các báo cáo trong bộ kỷ yếu Hội thảo để gửi đến các đơn vị, cá nhân quan tâm. Đồng thời từ kết quả của Hội thảo này, cơ quan thường trực sẽ nghiên cứu, đề xuất để tới đây có các nội dung thảo luận chuyên sâu, góp phần thúc đẩy phát triển ngành kinh tế dược liệu trong thời gian tới.

 

 Viện Nghiên cứu & Phát triển Cây dược liệu – Ban Khoa học và Công Nghệ

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *